Tại Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt được đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ đặc biệt nhằm điều tiết hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng. Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ giúp nhà nước điều tiết thu nhập của người tiêu dùng vào ngân sách nhà nước. Ngoài thắc mắc về mẫu biên bản thay thế hóa đơn, mẫu biên bản điều chỉnh hóa đơn, nhiều kế toán còn vướng mắc ở khâu kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt. Các bước thực hiện kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được đề cập trong nội dung dưới đây.
1. Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?
Thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 sửa đổi bổ sung 2014 được hiểu là một loại thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa đặc biệt do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoặc nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam; cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước.
Thuế này do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hoá đó nộp nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán.
Loại thuế này chỉ đánh vào một số loại hàng hóa theo quy định tại Điều 2 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008. Có thể kể đến như thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; rượu; bia;…
2. Các bước kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt
Khai thuế tiêu thụ đặc biệt là loại khai theo tháng đối với hàng hóa mua để xuất khẩu nhưng nếu được bán trong nước thì khai theo lần phát sinh.
Người nộp thuế chịu trách nhiệm kê khai theo quy định tại Thông tư 156/2013/TT-BTC, được sửa đổi bổ sung một số điều bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC.
2.1. Hồ sơ kê khai thuế
Hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm:
– Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo mẫu số 01/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính;
– Bảng xác định thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ (nếu có) theo mẫu số 01-1/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư số 195/2015/TT-BTC.
2.2. Các bước thực hiện
Việc khai thuế tiêu thụ đặc biệt của doanh nghiệp được thực hiện theo Điều 13 Thông tư 156/2013/TT-BTC. Cụ thể các bước được quy định như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người nộp thuế chuẩn bị số liệu, lập hồ sơ và gửi đến cơ quan thuế chậm nhất vào ngày 20 của tháng sau tháng phát sinh. Đối với hàng hóa mua để xuất khẩu nhưng được bán trong nước thì khai theo lần phát sinh.
Bước 2. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ
– Trường hợp hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
– Đối với hồ sơ được gửi qua đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
– Nếu hồ sơ được nộp thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ khai thuế do cơ quan thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.
Thuế điện tử – thời gian nộp thuế chỉ tính bằng phút
Mẫu hồ sơ thông báo phát hành hóa đơn điện tử
3. Lý do Nhà nước đánh thuế cao những mặt hàng xa xỉ như xe hơi
Thực chất việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với những mặt hàng xa xỉ, có thể bởi các lý do sau:
– Điều tiết thu nhập của người tiêu dùng vào ngân sách một cách công bằng, hợp lý. Tùy vào nhu cầu tiêu dùng của mỗi người ai dùng nhiều thì nộp thuế nhiều hơn người tiêu dùng ít hoặc không phải nộp thuế nếu không tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ đó. Mặt khác, những hàng hóa đó có nhiều thành tố cấu tạo nên sản phẩm thuộc đối tượng độc hại, rất khó phân hủy sau khi sử dụng như vậy sản phẩm có chứa những chất có hại đó sẽ phải chịu phí cao.
– Những hàng hóa, dịch vụ đánh thuế TTĐB là những hàng hóa mang tính chất xa xỉ, chưa thật cần thiết cho nhu cầu xã hội. Đồng thời, đối với sản phẩm ô tô, xe máy cao cấp,… căn cứ vào thực trạng giao thông ở nước ta cũng chưa có sự phát triển tương xứng để đáp ứng nhu cầu sử dụng này, nên Nhà nước cần có sự hạn chế sử dụng tránh các hệ lụy dẫn đến khi sử dụng phương tiện này quá nhiều dẫn đến ùn tắc giao thông.
– Đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.